*.* Hôm nay ngày: 19/03/2024 *.*

Lượt truy cập

838184
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
172
753
4339
838184

Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Trao học bổng Xổ số Kiến thiết An Giang Đợt II (2020-2021)

Trao học bổng Xổ số Kiến thiết An Giang
Đợt II (2020-2021) cho học sinh 

Trường Trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ An Giang

 

   Sáng ngày 19/04/2021, Trường Trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ An Giang tổ chức buổi trao học bổng Xổ số kiến thiết An Giang đợt II năm học 2020-2021 cho 06 học sinh vượt khó học tập.

   

   Thầy Ngô Hữu Lễ - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường đã đại diện trao 06 suất học bổng cho học sinh (2 triệu đồng/suất).

   Tổng mức kinh phí cho đợt cấp phát học bổng lần này 12 triệu đồng, góp phần động viên, chăm lo cho học sinh nghèo hiếu học và học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên xây dựng tương lai.

   Học bổng này không chỉ là phần quà quý giá, mà còn có ý nghĩa rất lớn với các em, giúp các em có thêm động lực, được truyền thêm lửa yêu thương, để tiếp tục vươn lên trên con đường học tập.

Bỏ Đại học để học nghề, bạn trẻ muốn có việc làm ổn định

Bỏ đại học để học nghề, bạn trẻ muốn có
việc làm ổn định

Cập nhật ngày: 20/09/2018

Dù đậu vào các trường đại học hàng đầu nhưng không ít bạn trẻ đã quyết định chuyển sang học nghề, nhằm tìm được việc làm ổn định.

Trong tổng số hơn 800 tân sinh viên, học sinh vừa nhập học đợt I tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (trường trực thuộc Bộ LĐ-TB & XH đóng tại huyện Bình Sơn), khoảng 40 bạn đã từng trúng tuyển vào các trường đại học.

Thế nhưng thay vì nhập học để làm "thầy", họ đã tìm đến trường nghề học làm "thợ" với mong muốn có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.

Bạn Lê Thanh Tùng và Trần Thanh Quỳnh đều từng học tại trường THPT số 2 Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Vừa qua, Tùng đỗ Đại học Nội vụ và Quỳnh đậu Đại học Phạm Văn Đồng.

Tuy nhiên, cả 2 đã quyết định từ bỏ cánh cổng trường Đại học để theo học chuyên ngành Điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.

"Điều quan trọng nhất không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường" - Lê Thanh Tùng lý giải.


Bạn Lê Thanh Tùng (bên trái) và Trần Thanh Quỳnh quyết định từ bỏ giảng đường Đại học để học nghề

Để đưa ra quyết định bỏ đại học đi học nghề, Lê Thanh Tùng đã suy nghĩ rất kỹ và tham khảo những người đi trước. Theo Tùng, sau 2 năm học cậu sẽ được nhận vào làm việc tại 1 trong 8 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó đích đến của cậu là khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.

"Em đã tham khảo một người bạn và biết rằng vừa ra trường thì mức lương của cậu ấy đã hơn 8 triệu đồng. Theo em đây là mức lương khởi điểm khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Ngãi. Em tin mình đã quyết định đúng khi chọn học nghề" - Tùng nói.

Cùng quan điểm đó, Trần Thanh Quỳnh cho biết mình quyết định chọn học nghề vì thời gian học ngắn, học phí thấp và quan trọng là nhà trường cam kết giải quyết việc làm đầu ra cho sinh viên.

"Em mồ côi mẹ từ nhỏ, cha mất sức lao động hoàn toàn nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Vì vậy em phải lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho mình là học nghề. Trường cam kết năm 2 là tụi em được đi thực tập tại các doanh nghiệp, trong quá trình đó tụi em còn được trả lương. Quan trọng là sau 2 năm học em sẽ có việc làm ngay để lo cho gia đình" - Quỳnh chia sẻ.

Đánh giá đúng năng lực, hoàn cảnh để chọn ngành, đây cũng là một câu chuyện của bạn Triệu Thị Thủy (tỉnh Gia Lai): Từ bỏ cánh cổng trường Đại học KHXH&NV để theo học ngành Công nghệ thực phẩm của trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.

Anh chị của Thủy đều đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chính vì vậy khi nghe Thủy quyết định đi học nghề ai cũng ngăn cản. Tuy nhiên, Thủy đã có những lý lẽ riêng để thuyết phục gia đình.

"Qua tìm hiểu em được biết trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cam kết tìm việc làm với mức lương khá cao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nếu không tìm được việc trường sẽ hoàn lại học phí. Đây là những điều em cần vì thế em quyết định đi học nghề", Thủy chia sẻ.


Cam kết có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đã thu hút nhiều bạn trẻ quyết định tìm đến trường nghề

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất - trong nhiều năm qua có rất nhiều bạn trẻ đã từ bỏ cánh cổng trường đại học để đăng ký học nghề tại trường.

Điều này cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về việc học và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên. Việc chọn học để làm "thợ" thay vì làm "thầy" đang dần phổ biến hơn. Bởi, các bạn trẻ đã nhận thức được đích đến cuối cùng của mình là một công việc ổn định ngay sau khi ra trường.

"Trường cam kết tìm việc làm cho 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Và điều đó đã được nhà trường thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Đối với một số ngành thì ngay từ năm học thứ 2 các em đã được thực tập nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp và được chính doanh nghiệp đó trả lương với mức 200 - 250 ngàn đồng mỗi ngày" - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây nói.

Được biết, giai đoạn 2018 - 2020, nhà trường được đặt hàng đào tạo và cung ứng gần 16.000 nhân lực cho các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi.

 

Quốc Triều/dantri.com.vn

 

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sơ kết 6 tháng
công tác đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ
6 tháng cuối năm 2018

Cập nhật ngày: 31/07/2018

 Ngày 30/7/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức sơ kết 6 tháng công tác đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh, lãnh đạo các đơn vị và đại diện cán bộ, công chức, viên chức thuộc Tổng cục; đại diện phóng viên của một số cơ quan thông tấn báo chí.


Thứ trưởng Lê Quân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo đánh giá Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2018 do TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng trình bày tại Hội nghị đã nêu bật kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục trong 6 tháng đầu năm 2018, một số nội dung cụ thể là: Đã hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 để trình Chính phủ phê duyệt, theo hướng tập trung sửa đổi các tiêu chí trường chất lượng cao đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển GDNN hiện nay; tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm đã trình ban hành được 02 văn bản: Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng GDNN và Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2018 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN. Xây dựng dự thảo Đề án đào tạo, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đã thực hiện rà soát và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 71,6% thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN; Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ tuyển sinh, xây dựng, công bố ứng dụng Chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động, duy trì trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Ước thực hiện tuyển sinh 06 tháng đầu năm đạt 1.058 nghìn người, đạt 48% kế hoạch năm, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017; Công tác gắn kết với doanh nghiệp được tích cực triển khai nhằm tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong GDNN, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục với các cơ quan, tổ chức như Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hiệp Hội bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tập đoàn FLC, Tổ chức GIZ, VCCI Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Các cơ sở GDNN trên cả nước cũng tăng cường tổ chức ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm theo bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc, Đức. Xây dựng chương trình, giáo trình 06 môn học chung trình độ trung cấp, cao đẳng trình Bộ phê duyệt; tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018,...


Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị: Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Đào tạo thường xuyên, Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Nhà giáo, Văn phòng, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng cục đã đóng góp ý kiến tham luận. Các ý kiến đều nhất trí với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thu hút người học vào học giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính, gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học trong giáo dục nghề nghiệp,...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân ghi nhận những cố gắng nỗ lực của Tổng cục trong công tác triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Tuy còn một số hạn chế trong công tác triển khai thực hiện, kết quả đạt được đã tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong xã hội. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục trong thời gian còn lại của năm 2018 cần rà soát, tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học.


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng dù công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, xong một số văn bản đã được ban hành đã kịp thời tạo hành lang pháp lý để triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Về công tác chuyên môn, ngoài những nội dung như xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra, thí điểm chương trình chuyển giao, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp được Tổng cục hết sức đẩy mạnh với nhiều hoạt động đồng bộ, thiết thực. Bên cạnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương các trường tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, Tổng cục trực tiếp ký nhiều văn bản hợp tác với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các hiệp hội... Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai có quy mô và đạt hiệu quả, nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã chuyển biến tích cực. Tổng Cục trưởng đề nghị trong thời gian còn lại của năm 2018, cần phát huy sức mạnh đoàn kết của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018.

                                                                                              Theo VP TCGDNN

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/NewsId/36862/seo/Tong-cuc-Giao-duc-nghe-nghiep-so-ket-6-thang-cong-tac-dau-nam-2018-va-trien-khai-nhiem-vu-6-thang-cuoi-nam-2018/Default.aspx

 

Học nghề vì sợ thất nghiệp

Nhiều thí sinh bỏ con đường đại học, rẽ hướng học nghề vì sợ thất nghiệp

Cập nhật ngày: 13/08/2018

Trong khi một số trường đại học ra sức hạ điểm chuẩn xuống mức rất thấp để vét thí sinh, nhiều học sinh đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia nhưng vẫn lựa chọn học nghề. Sợ thất nghiệp là lý do chung để nhiều thí sinh thay đổi nhận thức vào đại học bằng mọi giá.

Theo báo cáo của 63 Sở LĐTBXH, năm 2017, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trung bình đạt trên 80%. Bên cạnh đó, không ít trường nghề cam kết ra trường có việc làm 100%, nếu không sẽ hoàn trả học phí hoặc có chương trình đạo tạo hỗ trợ.

 

Trước khi đặt bút đăng kí vào một trường nghề trên địa bàn Hà Nội, Đặng Văn Sĩ (Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: “Theo kết quả Kì thi THPT quốc gia năm nay, tôi đạt 22,75 điểm ở khối C. Với mức độ khó đề thi năm nay, đây quả là số điểm không tồi và có thể đăng kí được nhiều trường đại học. Ngay cả gia đình tôi cũng khuyên học đại học”.

Tuy nhiên, nhìn vào con số hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, Đặng Văn Sĩ lo lắng: “Nhìn nhiều anh chị tốt nghiệp đại học sau nhiều năm vẫn chưa xin được việc, tôi nhận thấy việc học đại học không phải là con đường “trải hoa hồng” như trước. Vì vậy, tôi quyết định lựa chọn học nghề, dù gia đình, bạn bè thấy tiếc khi số điểm trên đỗ được nhiều trường đại học tốt”.


Ảnh minh họa

Đăng kí học cơ khí – một nghề “hot” và được nhiều doanh nghiệp cần, Sĩ cho rằng việc học nghề với phương pháp vừa học vừa làm, thời gian học ngắn hơn và cam kết ra trường 100% sinh viên có việc làm là sự lựa chọn sáng suốt.

Theo đánh giá, hiện nay nhận thức của nhiều học sinh cũng đã thay đổi, không phải ai cũng quan niệm phải vào đại học bằng mọi giá. Đỗ vào khoa Luật của Đại học Công đoàn nhưng Đinh Xuân Huấn (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) vẫn quyết định đăng kí học nghề. Nhận thấy chương trình đào tạo khá hấp dẫn, áp dụng thực hành, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cùng đào tạo và cơ hội việc làm khi ra trường rất lớn nên Huấn quyết định lựa chọn học nghề.

Theo Huấn, các bạn trẻ không nên “kì thị” học nghề. Mỗi người nên căn cứ vào hoàn cảnh, năng lực và sở thích của bản thân để có lựa chọn trường học cho phù hợp. Nên lựa chọn trường tốt nhất cho bản thân chứ không nên vì cái “mác” đại học mà chọn sai và chật vật tìm kiếm việc làm khi ra trường.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao và đang được nhiều doanh nghiệp “săn đón” có thể kể đến như: Điện công nghiệp, công nghệ ôtô, điện tử công nghiệp, hàn, quản trị mạng, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, quản trị khách sạn, quản lý nhà hàng.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Các nghề điện công nghiệp, cơ điện tử, điện lạnh, công nghiệp ôtô được học sinh lựa chọn đông nhất. Điều này cho thấy học sinh đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường lao động.

Theo HOA LÊ/ laodong.vn

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/36873/seo/Nhieu-thi-sinh-bo-con-duong-dai-hoc-re-huong-hoc-nghe-vi-so-that-nghiep/Default.aspx

 

Hội nghị đánh giá kế quả thực hiện...

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm
đặt hàng và nhân rộng mô hình đào tạo nghề
cho lao động nông thôn

Ngày 20/7, tại Hải Phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm đặt hàng và nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng, ông Nguyễn Chiến Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Ủy Ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam; đại diện một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và trường trung cấp, cao đẳng tham gia thí điểm đặt hàng, nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn;


Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên đã trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thí điểm đặt hàng đào tạo và nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, việc triển khai thí điểm đặt hàng đào tạo và nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 2010 – 2012: Tổ chức thí điểm đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp cho đối tượng thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế và thí điểm các mô hình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn tại các địa phương trong cả nước. Giai đoạn 2013 -2017: Tổ chức nhân rộng các mô hình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn có hiệu quả.

Về kết quả thực hiện, giai đoạn 2010 -2012, đã có 26 trường (gồm 24 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp) tham gia đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp, cao đẳng với số nghề đào tạo là 37 nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn được học nghề đạt 86% chỉ tiêu kế hoạch. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn các cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện đặt hàng triển khai thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, kết thúc giai đoạn, đã có 15.085 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng.

Đối với việc triển khai nhân rộng mô hình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng cho lao động nông thôn, kết thúc giai đoạn 2013 – 2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đúc rút và triển khai thực hiện các quy trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương. Các mô hình đào tạo đã được xây dựng và đưa vào triển khai thực hiện: Mô hình đào tạo phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo yêu cầu về vị trí việc làm của doanh nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mô hình đào tạo tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn, làng nghề, hình thành các tổ, nhóm sản xuất; mô hình đào tạo nghề máy trưởng, thuyền trưởng hạng IV cho ngư dân; mô hình cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật theo yêu cầu vị trí việc làm tại doanh nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mô hình doanh nghiệp trực tiếp  đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người khuyết tật theo vị trí việc làm để tuyển dụng việc làm trong doanh nghiệp theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm; mô hình đào tạo giáo viên, người dạy nghề giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn do Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội đề xuất; mô hình đào tạo nghề và kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn do Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội đề xuất.

Nhìn chung, công tác thí điểm và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc bất cập trong triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó đề xuất chỉnh sửa chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho phù hợp; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ một phần giúp địa phương hình thành các vùng sản xuất, vùng chuyên canh, cung cấp nhân lực cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp,...Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế trong công tác triển khai thực hiện như: các địa phương chưa xây dựng định mức kinh tế chi phí đạo tạo cho từng nghề, hiện các địa phương chỉ ban hành định mức hỗ trợ cho từng nghề, do vậy mức hỗ trợ đào tạo nghề thấp, ảnh hưởng chất lượng đào tạo; sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm, xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình trong tổ chức đào tạo và tạo việc làm cho người học nghề còn hạn chế; việc triển khai nhiều nơi còn chậm, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện,...


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã nhấn mạnh hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, về đặt hàng đào tạo bao gồm hai kênh, kênh từ ngân sách nhà nước để đặt hàng đào tạo, kênh nữa là đặt hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà nước có nhu cầu và đặt hàng bằng việc bố trí ngân sách và đặt hàng bằng ngân sách nhà nước thì phải thực hiện theo quy định của nhà nước. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu thì sử dụng nguồn lực sẵn có để đặt hàng. Việc đặt hàng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp đã được địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai thực hiện. Về quy định hướng dẫn, đối với đào tạo đặt hàng trình độ trung cấp, cao đẳng tuy đã có cơ chế nhưng quy định cụ thể cách làm còn vướng mắc. Riêng với đào tạo đặt hàng trình độ sơ cấp, đã có quy trình và quy định hướng dẫn cụ thể. Điều quan trọng nhất trong đặt hàng đào tạo nghề là khung giá và định mức kinh tế - kỹ thuật, hiện nay điều này đang gặp phải một số vướng mắc. Phó Tổng Cục trưởng cho rằng cần có nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể về đào tạo đặt hàng trình độ trung cấp, cao đẳng trong thời gian tới. Việc đào tạo đặt hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo các trường. Thứ hai, đối với việc thí điểm mô hình đào tạo, cần nghiên cứu, tổng kết những mô hình tốt, có hiệu quả để triển khai nhân rộng. Đồng thời cũng cần nghiên cứu các mô hình đào tạo chưa tốt để đánh giá rút kinh nghiệm.

                                                                                                              VP TCGDNN

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/36852/seo/Hoi-nghi-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-thi-diem-dat-hang-va-nhan-rong-mo-hinh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon/Default.aspx

 

Tuyển sinh

Thông báo mới

Liên kết website