*.* Hôm nay ngày: 31/10/2024 *.*

Lượt truy cập

960484
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
520
2395
520
960484

Trường nghề rộng cửa đón học sinh "trượt" THPT

Trường nghề rộng cửa đón học sinh "trượt" THPT

 

Không trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập không có nghĩa là kết thúc con đường học hành. Thực tế, học sinh còn rất nhiều cơ hội, lối đi chờ đón phía trước để lựa chọn.


Năm nay, 32.000 "dê vàng" không có suất vào lớp 10 trường công ở Hà Nội.

32.000 học sinh không có suất vào lớp 10 trường công ở Hà Nội

Điểm chuẩn vào lớp 10 trường THPT công lập tại Hà Nội chính thức được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố. Vậy là 32.000 gia đình của “lứa dê vàng” không có suất học trong trường công lập đã và đang căng thẳng, lo lắng, tìm lối đi phù hợp cho con mình.

Anh Lê Kiên, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết, con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Cầu Giấy. Điểm thi của con được 47,5 điểm, thấp hơn mức điểm trúng tuyển của trường này năm ngoái là 2,5 điểm. Gia đinh cũng xác định được học lực của con từ trước nên đã hướng cho con sang học trường ngoài công lập THPT Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm.

Cũng như anh Kiên, chị Phương Thảo, phường Thành Công, Đống Đa chia sẻ: “Lường trước sức học của con chỉ ở mức trung bình, từ nhiều tháng trước tôi đã đi dò hỏi, để tìm chỗ học cho con vào một trường dân lập. Con đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nếu trượt trường công không thể cho ở nhà được, nếu kiếm việc gì để làm thì con còn non nớt quá. Tội lắm”.

Nét mặt buồn và lo lắng như nhiều phụ huynh khác có con không đỗ vào trường công, chị Trần Kim Tuyến nói trong sụt sùi: “Khổ thân con, sức học cũng không đến nỗi nào, vậy mà… Gia đình tôi cả hai vợ chồng đều là công nhân, giờ cho con học trường tư, trường dân lập thì lấy đâu ra tiền đóng góp. Tuổi đó thì làm được việc gì bây giờ, ở nhà chơi bời lêu lổng không ai quản lý nhỡ đâu lại sinh hư…”.

Chị Hải Lý, quận Hai Bà Trưng cho biết, khi có kết quả thi, con không vào được trường công, gia đình buồn lắm. Đang lúc đầu óc căng thẳng chưa biết nên chọn lối đi nào phù hợp với con thì cô chủ nhiệm của con tư vấn nên cho con học trường nghề, chỉ mất 3 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề. Nếu có nguyện vọng học sinh có thể liên thông lên CĐ, ĐH. “Thấy có vẻ cũng hợp lý nhưng thực sự tôi vẫn băn khoăn về chất lượng, vì hiện nay quá ít thông tin về đầu ra của những trường nghề”, chị Lý chia sẻ.

“Càng gần lúc biết điểm thi thì càng căng thẳng, suốt mấy đêm không ngủ được, đầu óc căng như dây đàn vì suy tính. Cuối cùng, tôi quyết định cho con vào học trường dân lập, trước mắt tập trung cho con học văn hóa, chưa học nghề vội”, chị Hoàng Kim Lam (đường Láng, quận Đống Đa) kể về hành trình chị đi tìm chỗ học cho con.

Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ có khá nhiều sự lựa chọn

Trượt lớp 10 THPT công lập không phải là đặt dấu chấm hết như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hiện nay học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ có khá nhiều sự lựa chọn.


Học nghề, hướng đi mới cho học sinh trượt THPT.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, bên cạnh lựa chọn phát triển theo con đường THPT, nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS rất có thể phù hợp với lựa chọn học hệ trung cấp và CĐ. Bởi hiện nay thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây. Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo. Ngoài ra, các em có ý chí, hoàn toàn có thể trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, với mức học phí ĐH ngày càng cao, học trung cấp rất phù hợp với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bởi các em được miễn học phí và có thu nhập sớm.

“Năm nay với đặc thù học sinh ở lứa tuổi “Dê vàng” lớp 9 số lượng rất đông, trong khi khả năng đáp ứng ở trình độ lớp 10 có hạn, đấy cũng là một cơ hội tốt để cho giáo dục nghề nghiệp thu hút các em vào trường nghề. Với xu hướng mới hiện nay, học trường nghề giúp cho học sinh đến năm 18 tuổi có bằng CĐ nghề có trình độ tốt để các em có thể bước chân ngay vào lĩnh vực việc làm, sau đó các em vẫn tiếp tục học tiếp lên CĐ, ĐH”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, trường đã tiếp nhận đối tượng tốt nghiệp THCS vào học tập tại trường. Bên cạnh việc đào tạo nghề cho các em, nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên đào tạo theo hệ thường xuyên, tức là học sinh sẽ học song song 2 chương trình nghề và chương trình phổ thông. Sau 3 năm, khi tốt nghiệp, học sinh sẽ có 2 bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp để có thể tham gia thị trường lao động. Như vậy, tính về thời gian, một học sinh phải mất 3 năm học cấp 3 và 4 năm ĐH mới có được tấm bằng. Trong khi đó, nếu chọn học trung cấp, các em chỉ mất 2,5 đến 3 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề. Em nào có nguyện vọng liên thông lên CĐ, ĐH vẫn có cơ hội học tập.

Theo ông Thắng, bên cạnh lựa chọn vào các trường nghề, học sinh vẫn có cơ hội học tập tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trường ngoài công lập. Vài năm gần đây, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập đều đã được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng. Nhiều trường ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên có số học viên còn đông hơn trường THPT công lập.

Theo HÒA THANH (gdnn.gov.vn)

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/36838/seo/Truong-nghe-rong-cua-don-hoc-sinh-truot-THPT/Default.aspx?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 
 
 
 
 

Thông báo mới

Liên kết website