*.* Hôm nay ngày: 01/11/2024 *.*

Lượt truy cập

960537
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
573
2448
573
960537

Đào tạo lao động phục vụ làng nghề truyền thống

Đào tạo lao động phục vụ
làng nghề truyền thống

-Với thời gian tồn tại hàng trăm năm, ngoài việc lưu giữ những nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn, các làng nghề (LN) truyền thống còn giúp người dân có thu nhập ổn định, bám trụ với nghề theo cách “cha truyền con nối”. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế, cần quan tâm đến công tác dạy nghề, có chính sách hỗ trợ đặc thù, thu hút được lực lượng lao động (LĐ) trẻ thật sự hứng thú với nghề truyền thống…


Thu hút nguồn nhân lực trẻ theo học các nghề truyền thống phục vụ cho
địa phương

Chỉ tính riêng huyện Chợ Mới (An Giang)  đã có hơn chục LN, trong đó nhiều LN truyền thống như: mộc, đan đát… thu hút đông đảo LĐ tham gia, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng trên 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, tồn tại hiện nay vẫn là việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, ứng dụng kỹ thuật để tạo ra mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là do những nghề truyền thống chưa thật sự hấp dẫn về thu nhập, LĐ chuyển dịch qua các ngành, nghề khác cũng như rời khỏi địa phương.

Để thu hút được LĐ, đặc biệt là những người trẻ đến với nghề truyền thống, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang (trước đây là Trường Trung cấp Nghề Chợ Mới) đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương cũng như trong tỉnh.

Theo thầy Ngô Hữu Lễ, Hiệu trưởng nhà trường, từ khi thành lập đến nay, trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho các ngành, nghề thế mạnh của địa phương.

Cụ thể: xin chủ trương đầu tư đề án nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc ở trình độ trung cấp. Đây là nghề trọng điểm cấp quốc gia và đã triển khai xong giai đoạn I, tiếp tục đầu tư cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020).

Với đề án này, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang đầu tư một số máy móc, thiết bị với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, hiện đã tuyển sinh khóa 3 cho nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc.

“Tuy nhiên, số lượng học sinh học trình độ trung cấp ít, trong khi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu rất cao. Chính vì thế, hướng tới nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng để xây nhà xưởng cho nghề này, nhằm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có tay nghề cho địa phương…” - thầy Lễ phân tích.

Thời gian qua, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang còn tập trung đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ với các ngành, nghề thế mạnh địa phương ở các làng nghề truyền thống như: nghề mộc gia dụng (Tấn Mỹ, Mỹ Luông, Chợ Thủ, Long Điền B, Long Giang); nghề đan đát (Long Giang, Mỹ An), nghề chầm nón (Hội An, Hòa Bình)…

Bên cạnh đó, trường còn kết hợp các địa phương như: Long Điền A, Long Điền B, Long Giang, Tấn Mỹ, Long Kiến mở 12 lớp nghề (mộc gia dụng; chạm, trám trên gỗ) cho gần 400 học viên là người ở địa phương theo học.

“Hiệu quả rõ nhất là giúp người học nghề tăng thu nhập rất nhiều (mỗi người từ 180.000-250.000 đồng/ngày), 100% người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định”- ông Hồng Thanh Lập, đại diện làng nghề mộc gia dụng xã Long Giang (Chợ Mới) chia sẻ.

Với 3 hình thức: học văn hóa, học nghề, vừa văn hóa - vừa học nghề, mùa tuyển sinh năm nay, tổng chỉ tiêu được giao của trường là 150, tập trung vào 6 nghề ở trình độ trung cấp gồm: gia công và thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp, may thời trang, hàn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Theo đó, hình thức vừa học - vừa làm được đặt lên hàng đầu vì đáp ứng được nhu cầu của người học và cả doanh nghiệp. Điểm mới là các học viên học theo tín chỉ nên đáp ứng nhu cầu người học và tuyển sinh xuyên suốt trong năm.

Theo thầy Lễ, năm 2018, nhà trường tập trung mạnh vào nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc, xây dựng và hàn vì đây là những nghề có nhu cầu lớn của các doanh nghiệp. Các học viên tham gia lớp học đều đạt được kỹ năng và tay nghề, đáp ứng được thị trường LĐ.

Được tham gia thực hành nhiều giờ trong khóa học, các sản phẩm của học viên dần hoàn thiện và bán ra thị trường, như: bàn, ghế các loại, giường ngủ…

Việc dạy nghề truyền thống gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường là hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững của các trường nghề.

Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang có 1 học viên tham gia kỳ thi học sinh giỏi nghề toàn quốc năm 2018 với nghề gia công thiết kế sản phẩm mộc.

ÁNH NGUYÊN

Thông báo mới

Liên kết website