*.* Hôm nay ngày: 17/05/2024 *.*

Lượt truy cập

885695
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
285
3833
11832
885695

Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Điệp khúc "Thừa thầy, thiếu thợ"

Điệp khúc "thừa thầy, thiếu thợ"
 
     
 Thứ năm, 08/06/2017 01:04
      (AGO) - Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân, thạc sĩ đỏ mắt tìm việc làm. Trong khi đó, ngoài xã hội có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực lại thiếu trầm trọng những thợ có tay nghề, cần chuyên môn, kinh nghiệm...
      Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa xây dựng, các chủ thầu phải đối mặt tình trạng thiếu thợ trầm trọng, nhất là những năm gần đây, lao động đi làm việc ngoài tỉnh càng nhiều, lực lượng lao động ngành nghề này càng thu hẹp. Rõ nhất là trong những tháng đầu năm, nhu cầu xây nhà ở, các công trình doanh nghiệp, Nhà nước đầu tư tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu thợ... trầm trọng. Nhiều công trình tìm đỏ mắt cũng chỉ có 1 thợ chính, vài người thợ phụ, hệ lụy là công trình không đạt tiến độ theo hợp đồng, chủ thầu chỉ biết năn nỉ chủ nhà cho gia hạn... Trong khi lao động trẻ, lao động chính phần lớn đã đi làm ngoài tỉnh, số còn lại làm nhiều ngành nghề khác nhau và thất nghiệp do không có tay nghề.

Nhu cầu thợ xây dựng tăng cao
     
      Anh Sang, một thầu xây dựng ở TP. Long Xuyên cho biết: “Hợp đồng xây nhà 1 trệt, 2 lầu trong 3 tháng, giờ do thiếu thợ, công trình 4 tháng vẫn chưa xong, không đạt tiến độ theo hợp đồng, cũng may chủ nhà thông cảm. Lương trả thợ đâu phải thấp, bình quân thợ hồ chính 220.000 đồng/ngày (8 giờ), thợ phụ 170.000 đồng/ngày, nhưng vẫn khó tìm được thợ thạo việc. Nếu chủ thầu không đáp ứng, thợ sẵn sàng bỏ đi làm cho công trình khác”.
      Không riêng ngành xây dựng, nghề sửa chữa cơ khí, điện lạnh... cũng thiếu thợ lành nghề, kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp sửa chữa cơ khí, máy móc không tìm được thợ lành nghề, nên thợ làm lâu năm được trả lương cao, với nhiều chế độ đãi ngộ tốt mới giữ chân được thợ. Trong khi đó, ngoài xã hội vẫn còn nhiều sinh viên cầm tấm bằng đại học, cao đẳng không tìm được việc làm. Rất nhiều cử nhân phải cất bằng đại học đi phụ bán quán cà phê, quán ăn, giữ trẻ, thậm chí bán hàng online... 

Nhu cầu xã hội cần thợ lành nghề, có kinh nghiệm
     
      Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ: “Hoạt động hướng nghiệp để phân luồng học sinh tốt nghiệp lớp cuối cấp vào học các trường trung cấp, trường nghề hiệu quả chưa cao. Đã đến lúc ngành Giáo dục nên tính toán lại công tác phân luồng học sinh, nâng tỷ lệ từ 10% lên 20% học sinh vào các trường nghề”. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Kim Hường thông tin: “Hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Riêng lao động đi làm ngoài tỉnh từ 8.000-9.000 người. Hiện, nhu cầu tuyển lao động trong và ngoài tỉnh rất lớn. Trong tỉnh có 479 doanh nghiệp cần tuyển 4.500 lao động, doanh nghiệp ngoài tỉnh cần tuyển hơn 20.000 vị trí việc làm. Ngành nghề “hot” nhất là may công nghiệp, xây dựng dân dụng. Điển hình như may công nghiệp, doanh nghiệp cần trên 10.000 người. Điều đáng nói doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông, ít có doanh nghiệp tuyển lao động qua đào tạo. Trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo đại học, thạc sĩ trên 53%, lao động qua đào tạo nghề 39%”.
      Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” là vấn đề mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt trong các mùa tuyển sinh. Trong khi đó, việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh học nghề chưa cao. Trường cao đẳng nghề An Giang tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, Trường đại học An Giang mỗi năm hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm, các khu công nghiệp thiếu công nhân...
      Đã đến lúc thay đổi nhận thức. Về phía nhà trường, trong quá trình định hướng phân luồng cho học sinh cũng không nặng nề việc phải có thành tích cao. Điều quan trọng là hướng cho các em lựa chọn những ngành nghề mà địa phương đang cần, phù hợp với năng lực, trình độ và hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình. Để tăng tỷ lệ có việc làm cho sinh viên, các trường cần lắng nghe nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và thực sự năng động trong việc gắn kết với họ. Sinh viên thiếu thực tiễn, yếu về ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm, đặc biệt là thái độ nghề nghiệp cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ có việc làm không cao.
      Để giảm bớt tình trạng sinh viên thất nghiệp, giải quyết bài toán “thừa thầy” người học và phụ huynh cần có những định hướng đúng đắn, phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội. Trường đại học An Giang thực hiện điều tra xã hội học về tình trạng sinh viên thất nghiệp, có việc làm đúng chuyên môn hay trái nghề, chất lượng đào tạo có đáp ứng nhu cầu xã hội. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm phù hợp cho sinh viên; đào tạo phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả, gắn với nhu cầu nhân lực địa phương và xã hội. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, đào tạo theo địa chỉ, “đơn đặt hàng” của địa phương, doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho sinh viên; chuyển hướng đào tạo thợ giỏi để đáp ứng yêu cầu hội nhập…
Theo HẠNH CHÂU
Báo An Giang Online
 
 
 
 

Tuyển sinh

Thông báo mới

Liên kết website